Trung Quốc mở cửa kinh tế, ngành thép và xi măng có được hưởng lợi?

Thị trường vật liệu xây dựng – Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu hàng đầu của Việt Nam. Việc nước này mở cửa trở lại sẽ có những tác động nhất định đến nền kinh tế nước ta. Sắt thépXi măng là hai trong số những ngành được hưởng lợi từ động thái này.

Sau hơn hai năm thực thi chính sách Zero-Covid, đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã có những động thái mở cửa trở lại nền kinh tế qua nhiều phát biểu tích cực của giới chức nước này thời gian gần đây.

Thị trường vật liệu xây dựng
Trung Quốc mở cửa, thị trường vật liệu xây dựng có bị ảnh hưởng?

Theo dự kiến, Trung Quốc sẽ mở cửa hoàn toàn nền kinh tế vào quý 2.2023. Điều này giúp giảm bớt tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng trên toàn cầu và cũng mang đến sự kỳ vọng cho nhiều ngành kinh tế tại Việt Nam.

Hiện Trung Quốc là đối tác nhập khẩu chính của Việt Nam trong công đoạn xuất khẩu sang Mỹ. Do đó, việc Trung Quốc mở cửa trở lại sau dịch có thể giúp cải thiện một phần tình trạng tăng trưởng xuất nhập khẩu đang chậm dần của Việt Nam.

Trong báo báo mới đây, VNDirect đánh giá các ngành sẽ hưởng lợi từ lộ trình mở cửa kinh tế Trung quốc bao gồm hàng không, thủy sản, xi măng, cao su, thép, dệt may, bán lẻ và gạo. Tuy nhiên, VNDirect cũng cho rằng, mức độ hưởng lợi của các nhóm ngành này sẽ khác nhau. Trong khi đó, ngành phân bón sẽ chịu tác động tiêu cực.

Xi măng được hưởng lợi

Tuy bị hạn chế nhiều trong nửa đầu năm 2022, nhưng thị trường Trung Quốc vẫn là trụ cột cho ngành xuất khẩu xi măng Việt Nam. Theo số liệu của Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của xi măng Việt Nam khi chiếm tới 54% tổng sản lượng năm 2021.

Thị trường vật liệu xây dựng
VNDirect đánh giá các ngành sẽ hưởng lợi từ lộ trình mở cửa kinh tế Trung quốc bao gồm hàng không, thủy sản, xi măng, cao su, thép, dệt may, bán lẻ, gạo

Tính đến hết tháng 10.2022, sản lượng xi măng tiêu thụ trong nước khoảng 51,9 triệu tấn. Trong khi đó, sản lượng xuất khẩu xi măng và clinker ở mức 26,4 triệu tấn, giảm mạnh về sản lượng và kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.

VNCA cho biết, xuất khẩu xi măng trong giai đoạn này gặp nhiều khó khăn vì thị trường tiêu thụ lớn nhất là Trung Quốc suy yếu khi lĩnh vực bất động sản dân dụng – vốn chiếm 30-35% tổng tiêu thụ xi măng của quốc gia này “đóng băng”. Đây là nguyên nhân chính khiến sản lượng clinker, xi măng xuất khẩu của Việt Nam suy giảm đáng kể.

Tại thị trường trong nước, tình hình bán hàng cũng đang gặp khó khăn khi thị trường bất động sản cũng chưa có dấu hiệu khả quan. Theo đó, các thương hiệu lớn như Hà Tiên, Hoàng Thạch cũng khó trong việc tiêu thụ, các doanh nghiệp này phải tìm mọi giải pháp, nhưng bán hàng rất vất vả.

VNDirect cho rằng động thái mở cửa trở lại của Trung Quốc sẽ giúp nối lại hoạt động xây dựng và đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, từ đó giúp nhu cầu xi măng tại quốc gia này phục hồi. Đây là một trong những động lực lớn nhất hỗ trợ cho việc tăng trưởng sản lượng xuất khẩu của các doanh nghiệp xi măng trong năm 2023.

Bên cạnh đó, VNDirect cũng kỳ vọng sản lượng xuất khẩu phục hồi cũng sẽ giúp các công ty xi măng Việt Nam cải thiện hiệu suất vận hành nhà máy qua đó giúp tăng biên lợi nhuận gộp trong thời gian tới.

Trong đó, Xi măng Bỉm Sơn được VNDirect đánh giá là doanh nghiệp được hưởng lợi lớn nhất khi Trung Quốc vốn là thị trường xuất khẩu truyền thống, chiếm khoảng 15-20% tổng sản lượng tiêu thụ hàng năm của công ty.

Thép có thêm động lực

Bên cạnh điểm sáng là đầu tư công và nguồn cung bất động sản trong nước hồi phục, triển vọng ngành thép Việt Nam trong năm 2023 có thể hồi phục tốt hơn nhờ động lực từ nhu cầu của thị trường Trung Quốc, khi các chính sách kích thích lại thị trường bất động sản bắt đầu có hiệu quả.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, dù đang là thị trường xuất khẩu sắt thép lớn nhất của Việt Nam, nhưng sau 10 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sang Trung Quốc giảm hơn 1 tỉ USD so với cùng kỳ.

Cụ thể, hết tháng 10, xuất khẩu sắt thép sang thị trường này chỉ đạt 96,5 nghìn tấn với trị giá 95 triệu USD, giảm tới 96% về lượng và kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021. Với kết quả này, Trung Quốc chẳng những không còn là thị trường lớn nhất của mảng xuất khẩu sắt thép mà còn ra khỏi nhóm tốp 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Với tín hiệu mở cửa trở lại của Trung Quốc, VNDirect cho rằng thép là một trong những nhóm ngành được hưởng lợi từ động thái trên. Theo đó, các hoạt động xây dựng và đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng được đẩy mạnh, từ đó giúp nhu cầu thép xây dựng tại Trung Quốc được phục hồi.

Mặt khác, giá thép cũng sẽ được kỳ vọng tăng trở lại nhờ diễn biến giá thép tại thị trường Trung Quốc. Hiện giá thép trung bình tại quốc gia này gần đây đã phục hồi khoảng 10% so với mức đáy vào cuối tháng 10.2022.

Bên cạnh giá thép, tình hình xuất nhập khẩu trong thời gian tới cũng sẽ được cải thiện khi nhu cầu sản xuất công nghiệp của Trung Quốc tăng trở lại cũng sẽ giúp chuỗi cung ứng toàn cầu được khôi phục. Từ đó, các doanh nghiệp xuất khẩu tôn mạ của Việt Nam được hưởng lợi gián tiếp.

Cụ thể, công ty mạ hàng đầu như Hoa Sen hay Nam Kim sẽ có cơ hội gia tăng sản lượng xuất khẩu trong bối cảnh sản xuất công nghiệp toàn cầu phục hồi. Trong khi đó, Hòa Phát với lợi thế về chi phí sản xuất cạnh tranh, có khả năng xuất khẩu thép sang thị trường Trung Quốc.

(Nguồn: Hữu Việt – Cafeland)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *